Truot bang Nghe Thuat Hockey Ice Skate

https://truotbang.com:443


Trượt băng ở xứ nhiệt đới

Trượt băng ở xứ nhiệt đới
Trượt băng không phải là môn thể thao của xứ nhiệt đới, nhưng nếu biết cách đầu tư thì chi phí rất rẻ, lại nhanh thu hồi vốn.
Cách đây 13 năm (năm 1998), một tập đoàn của Hồng Kông đã từng qua Việt Nam mở một sân trượt băng tại khu vực Kỳ Hòa, Q.10, TP.HCM. Sau 1 năm, dù khách lúc nào cũng phải xếp hàng chờ đợi để vào chơi, sân trượt này buộc phải đóng cửa. Do đây là sân nước đá nên cần chi một khoản tiền điện khổng lồ để làm đông đá, mà Việt Nam lại thường xuyên cúp điện.
 
Cho đến tháng 10.2010, Việt Nam mới có sân trượt băng đầu tiên tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
 
Rút kinh nghiệm từ bài học trên, ông Hoàng Văn Anh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Câu lạc bộ Trượt băng Nhà văn hóa Thanh Niên, đã chọn băng nhân tạo để mang về Việt Nam. Loại băng này được nhập từ Mỹ có chất liệu nhựa tổng hợp, không trơn bằng băng đá, dính hơn nên dễ di chuyển và té ít đau hơn, phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam. Khán giả có thể vào sân ngồi xem hàng giờ mà không cần mặc quần áo chống lạnh.
 
Bên cạnh đó, theo ông Văn Anh, ưu điểm của loại băng này là tiện dụng và hiệu quả. Do bằng nhựa nên việc lắp ghép, tháo gỡ sân khá dễ dàng nếu cần di chuyển, phục vụ cho các sự kiện.
 
Mức đầu tư trung bình (về kỹ thuật và vật liệu, không tính mặt bằng) cho một sân trượt băng nhựa là 300 USD/m2. Như vậy, nếu làm một sân trượt 500 m2 thì tốn khoảng 150.000 USD (tương đương 3 tỉ đồng). Trong khi đó, để làm một sân trượt băng tương tự bằng nước đá, chi phí lên tới 3 triệu USD (tương đương 60 tỉ đồng).
 
Chi phí bảo trì sân nhựa cũng rẻ hơn, khoảng 600.000 đồng/ngày so với 30-50 triệu đồng/ngày của sân nước đá (do cần điện để duy trì độ đông đá ở nhiệt độ từ -100C đến -200C). Tại Mỹ, một sân trượt băng 1.700 m2 mỗi ngày tiêu thụ lượng điện tương đương lượng tiêu thụ của 5.000 hộ gia đình. Trong khi đó, sân băng nhựa chỉ cần duy trì ở 16-170C bằng hệ thống máy lạnh.
 
Vì chi phí đầu tư thấp hơn nên phí vào sân băng nhựa cũng rẻ hơn, chỉ 50.000 đồng/lượt/2 giờ (đã bao gồm giày trượt). Vé vào sân băng đá trước đây là 400.000 đồng/lượt/1 giờ.
 
Tuy nhiên, ông Văn Anh cho biết, thời gian đầu đưa vào hoạt động sân trượt băng, ông gặp trở ngại là cỡ chân của người Việt nhỏ hơn người Mỹ nên phải đổi lại số giày đã nhập về. Câu lạc bộ trượt băng đang có khoảng 200 đôi giày với giá từ 50-100 USD/đôi.
 
Hiện tại, sân trượt băng thu hút gần 200 lượt người chơi mỗi ngày; cuối tuần có thể lên tới 400 lượt. Với lượng khách như vậy, ông Văn Anh tính toán sau khoảng 3-4 năm là có thể thu hồi vốn. Nhưng ông cho biết muốn rút ngắn thời gian còn 1,5 năm.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, ông dự định mở khu phức hợp vui chơi gồm nhiều môn thể thao còn khá lạ ở Việt Nam như trượt băng, khúc côn cầu, phi tiêu. Tuy giá vé vào cổng sẽ gấp đôi hiện tại nhưng người chơi có thể tham gia tất cả các môn trong khu này.
 
Vào ngày 19.6 tới, ông Văn Anh sẽ cho khai trương sân trượt băng nhựa thứ 2 tại một khu thương xá ở quận Gò Vấp, diện tích 500 m2. Quận Tân Phú và khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) sẽ là các địa điểm tiếp theo của nhà đầu tư này, trước khi tiến ra Hà Nội.
 
 
Trượt băng NVH Thanh Niên Tel: 08 38227475

Nguồn tin: http://truotbang.com