Truot bang Nghe Thuat Hockey Ice Skate

https://truotbang.com:443


Hockey - Nghệ thuật của đối kháng

Hockey - Nghệ thuật của đối kháng
Ẩn sau những bộ quần áo dày cộm, sử dụng những cây gậy dài cứng cáp và phải đứng trên một bề mặt tiếp xúc rộng vỏn vẹn chưa đầy 1cm, hockey (khúc côn cầu) thực sự là một môn thể thao đối kháng khá nguy hiểm nhưng cũng mang đầy yếu tố nghệ thuật mà ít môn thể thao nào có được.
Hockey - Nghệ thuật của đối kháng 1
 
Môn chơi lắm công phu
 
Cách đây vài năm, phần đông người Việt hoàn toàn không có khái niệm gì về môn thể thao này và thậm chí còn không biết đến cái tên gọi Hockey. Nguyên nhân khiến khúc côn cầu chưa được phổ biến tại Việt Nam có lẽ chủ yếu do sự phức tạp của nó.
 
Hockey - Nghệ thuật của đối kháng 2
 
Hockey - Nghệ thuật của đối kháng 3
 
Đầu tiên là yếu tố kỹ thuật. Không như những môn thể thao đối kháng khác, hockey đòi hỏi người chơi phải thông thạo tối thiểu một kỹ năng quan trọng, đó là trượt băng. Di chuyển trên một sàn nhựa tổng hợp (ở Việt Nam chưa có sàn băng) bằng một loại giày đặc biệt tương tự như giày trượt patin (không có bánh xe ở đế giày mà thay bằng một lát cắt kim loại), trượt băng đòi hỏi người chơi phải có khả năng giữ thăng bằng đặc biệt. Theo phần đông các bạn trẻ từng tập chơi trượt băng, để có thể học cách đứng vững cần ít nhất 2 - 3 buổi tập luyện. Còn để di chuyển thực sự theo ý muốn thì tốn thời gian hơn nhiều và còn tùy khả năng mỗi người.
 
Là một môn thể thao đối kháng, hockey bao hàm những yếu tố như va chạm, xoay trở và ai đã từng chơi bóng đá, bóng rổ... đều biết, ngay cả khi di chuyển trên chính bàn chân thì những yếu tố này cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc trụ vững chứ đừng nói là di chuyển bằng giày trượt.
 
Bên cạnh vấn đề về kỹ thuật, Hockey còn mang tính phức tạp trong cả dụng cụ, đồ dùng thi đấu. Được biết, một đôi giày trượt băng co# giá ít nhất là 1,5 triệu. Những dụng cụ khác như nón, quần áo bảo hộ, găng tay và gậy cũng có giá rất đắt tiền. Điều này gây khó khăn không nhỏ đối với những ai muốn sở hữu một bộ đồ nghề thực thụ ở môn chơi này. Ngay cả trong trường hợp đã sắm đủ, việc có thể mặc một bộ quần áo dày cộm, đội một chiếc nón cồng kềnh hạn chế tầm nhìn để rồi tập chơi được hay không lại là một vấn đề khác.
 
Phức tạp nên... lôi cuốn
 
Nhìn từ bên ngoài, hockey thực sự không "bắt mắt”. Trên hàng ghế khán giả chỉ có thể thấy một nhóm cầu thủ to lớn cồng kềnh quây quần bên một miếng đĩa nhỏ đến mức khó nhìn thấy. Những cú đánh ăn điểm, những pha tranh đoạt cũng không có một nét đẹp đặc biệt nào. Tất cả đều cho thấy đây là một môn thể thao nhàm chán với người xem, nhưng ở tư thế người chơi lại hoàn toàn khác hẳn.
 
Môn thể thao nào cũng cần sự vận động toàn thân, nhưng phần đông đều chỉ tập trung yếu tố kỹ thuật ở một bộ phận duy nhất (chân với bóng đá, tay với bóng rổ, bóng bàn...), Hockey ngược lại, đòi hỏi sự khéo léo ở cả tay và chân. Dù kỹ năng trượt bằng chân rất khó và đòi hỏi nhiều thời gian tập luyện, tay vẫn là phần cơ thể thi đấu chính của hockey, nên tất nhiên người chơi hockey phải vừa "khéo tay” lẫn "khéo chân”. Chính sự phức tạp này lại là yếu tố lôi cuốn một số bạn trẻ đến với hockey. Một hướng dẫn viên ở CLB Hockey Nhà văn hóa Thanh niên cho biết: "Hockey thực sự là một môn thể thao nghệ thuật. Nó đòi hỏi chúng ta phải có sự hài hòa trong khả năng vận động toàn thân, từ sự uyển chuyển của đôi chân, linh hoạt ở cánh tay cho đến sự tinh tường của đôi mắt. Những trường hợp tranh đoạt lại càng khó hơn bởi cần thêm yếu tố sức mạnh và một chút khôn khéo”.
 
CLB Trượt băng nghệ thuật ở phòng tập lầu 3 của Nhà văn hóa Thanh niên hiện là nơi duy nhất trong TP.HCM để các bạn trẻ có thể thỏa mãn niềm vui chơi hockey của mình. Kết hợp với phòng trượt băng, CLB thường mở cửa vào buổi chiều ngày Chủ nhật mỗi tuần với giá vé 60.000 VNĐ/lần vào cửa (không giới hạn thời gian). Người chơi có thể mượn các dụng cụ của phòng và được hướng dẫn bởi các hướng dẫn viên. Được biết, số lượng người chơi hockey ở TP.HCM vào khoảng hơn 100 nhưng số người chơi thực thụ thì chỉ tầm vài chục.
 
Những dụng cụ chơi hockey
 
- Mũ: Làm bằng một lớp vỏ cứng bên ngoài nhưng dẻo ở bề mặt trong, thường là loại nylon hoặc nhựa ABS với lớp đệm chống sốc. Có giá khoảng 1-2 triệu.
 
Hockey - Nghệ thuật của đối kháng 4
 
- Lớp bảo vệ cổ: Là một lớp nylon hoặc nhựa ABS dày có chức năng kháng thủng.
- Áo bảo hộ: Gồm phần thân áo, miếng đệm vai và tấm lót khuỷu tay, làm bằng các loại vải đàn hồi. Có giá khoảng 1-3 triệu.
- Găng tay: Có giá từ 500.000-1 triệu.
- Giày trượt: Tương tự giày trượt patin, có 1 lát cắt kim loại dưới cùng để trượt gọi là "blade” dày khoảng 1/8 inch. Giá từ 2 triệu trở lên.
- Quần bảo hộ: Dài quá đầu gối, chất liệu tương đương với áo, giá khoảng 100.000-500.000 đồng.
- Gậy: Làm bằng gỗ, nhôm hoặc nhựa tổng hợp. Giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng.
 
Bạn có biết?
 
Khúc côn cầu thực chất đã gần gũi với người Việt Nam từ thời xa xưa. Ban đầu là việc dùng gậy để khiển một vật tròn (gọi là phết) vào các lỗ của phe đối phương (có 3 đội) vào thời Hai Bà Trưng, người khai sinh ra môn này là nữ tướng Lê Chân. Đến thời vua Lý Thánh Tông thì môn này được phát triển thành một môn thi đấu hẳn hoi dành cho giới quyền quý, khi số đội thi đấu giảm còn 2, các lỗ ăn điểm được chuyển thành các cây cọc (cầu môn) và người chơi cưỡi ngựa. Bản thân vua Lý Thánh Tông cũng yêu thích và rất giỏi môn chơi này. Điều trùng hợp là ngày sinh của vua trùng với ngày sinh của VĐV Hockey huyền thoại người Canada Doug Wickenheiser (30 tháng 3).
 
Hockey chính thức đến Việt Nam vào năm 2004 và chỉ bắt đầu phổ biến vào năm 2008 khi lễ hội khúc côn cầu Việt Nam lần đầu được tổ chức. Hiện Việt Nam có 3 đội Hockey chính thức (2 ở Sài Gòn và 1 ở Long Khánh). Dự tính trong năm nay, Việt Nam sẽ có trung tâm khúc côn cầu đầu tiên ở Long An.
 
 
Trượt băng NVH Thanh Niên Tel: 08 38227475

Nguồn tin: http://truotbang.com